Theo đó, đối với các cấp, ngành, đơn vị, cơ sở, có lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ, có hồ sơ theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại chỗ; thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ cháy nổ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC và nội quy an toàn đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh, và khách hàng.
Các cơ quan, công sở cần rà soát, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện và huấn luyện nghiệp vụ để phát hiện, báo cháy và dập tắt kịp thời; xây dựng phương án thoát nạn cho người và tài sản; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt ngoài giờ hành chính, ban đêm và ngày nghỉ để kịp thời phát hiện nguy cơ cháy.
Tại khu dân cư tập trung, cần vận động thành lập đội dân phòng và tổ chức thực tập tình huống giả định, phối hợp với các lực lượng để xử lý cháy và CNCH. Các đội dân phòng tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC thường xuyên để nâng cao kỹ năng.
Đối với chợ, trung tâm thương mại, tiểu thương không được lấn chiếm lối thoát nạn, hàng hóa phải bố trí đảm bảo an toàn PCCC. Lắp đặt hệ thống điện đúng quy chuẩn, không sử dụng, lưu trữ các chất dễ cháy nổ như xăng dầu, pháo, gas.
Các hộ gia đình kết hợp kinh doanh phải tuân thủ nghiêm quy định PCCC, không tàng trữ chất dễ cháy nổ, lắp đặt lối thoát hiểm an toàn khi đã có lồng sắt, lưới sắt trên lan can; cần có kế hoạch thoát nạn dự phòng khi cháy xảy ra, sử dụng cẩn thận các chất dễ cháy và chuẩn bị phương án thoát hiểm qua lối dự phòng như ban công, cửa sổ hoặc mái nhà.